Thời kì cuối Vệ_Linh_công

Thân Tề phản Tấn

Mùa thu năm 503 TCN, Vệ Linh công có ý muốn bỏ Tấn theo Tề, nhưng các đại phu đều khuyên can. Vệ hầu bèn dàn cảnh sai Bắc Cung Kết xuất sứ Tề quốc, rồi bí mật nhắn với người Tề hãy làm bộ bắt sống Kết rồi lấy đó uy hiếp Vệ. Vì thế Vệ và Tề hội minh ở đất Sa[14].

Tháng 7 năm 502 TCN, tướng TấnPhạm Ưởng nghe tin VệTrịnh hội thề với Tề bèn đem quân đánh cả hai. Vệ Linh công phải cùng với Tấn thề tại đất Chuyên Trạch. Bên Tấn, Thiệp Đà và Thành Hà đứng ra cắt máu cùng với vua Vệ. Người Vệ xin cầm cái tai trâu. Thành Hà nói

Vệ quốc chỉ bằng đất Ôn, đất Nguyên của Tấn quốc tôi. Đâu được coi như một Hầu quốc.

Đến khi sắp sáp huyết, Thiệp Đà nắm lấy tay Vệ Linh công ấn vào thùng máu, ngập đến cổ tay mới thôi. Trước thái độ đó của người Tấn, Vệ hầu vô cùng phẫn nộ[15]. Khi về nước, ông đem chuyện muốn phản nước Tấn nói với quần thần. Vì sợ các đại phu phản đối nên đã dọa sẽ thoái vị, nhưng các đại phu vẫn không nghe. Vua nói người Tấn còn muốn lấy con mình và con cái đại phu làm con tin, các đại phu vẫn đồng ý gửi con tin. Vệ hầu theo lời Vương tôn Cố, bắt luôn cả chon bọn công thương cùng đi (làm con tin). Đến ngày đi, vua mới họp dân lại, và nói khích cho người dân ý muốn phản Tấn. Cho nên Vệ hủy bỏ lời minh ước. Phạm Ưởng bèn liên hợp với nước Thành cùng nhau đánh Vệ, nhân tiện đánh cả Trịnh. Tháng 9, các đại phu họ Quý và Trọng của Lỗ cùng đến xâm Vệ. Vệ Linh công bèn cùng với Trịnh Hiến công hội họp ở Khúc Bộc cùng bàn với chống quân Tấn[16].

Mùa thu năm 501 TCN, Vệ Linh công cùng Tề Cảnh công đóng quân tại Ngũ thị chuẩn bị đánh nước Tấn, chiếm Di Nghi rồi tấn công sang đất Trung Mâu. Quân Tấn có hơn 1000 chiến xe ở Trung Mâu. Quan đất Trung Môn là Chư sự Phố trước từng làm quan ở Vệ, đánh giá vua Vệ đang ở trong quân, chưa chắc thắng được Vệ, và xin chuyển hướng đánh vào cánh quân Tề, đẩy lui quân Tề ra khỏi Trung Môn. Tề Cảnh công lui quân, tặng cho Vệ Linh công 3 ấp Chước, Di và Mạnh[17].

Mùa hạ năm 500 TCN, tướng của Tấn là Triệu Ưởng đánh Vệ để báo thù trận Di Nghi, nhưng không thắng, người Tấn hỏi Vệ vì sao lại hủy bỏ minh ước, phía Vệ trả lời là nguyên do Thành Hà và Thiệp Đà. Người Tấn bèn bắt Thiệp Đà để cầu hòa với Vệ, phía Vệ không chịu. Sau đó phía Tấn giết Thành Hà, còn Thiệp Đà trốn sang nước Yến[18]. Mùa đông năm đó, Vệ hầu lại cùng với tướng Trịnh Du Tốc hội minh với Tề hầu ở đất An Phủ.

Mùa hạ năm 498 TCN, Công Mạnh Khu nước Vệ đánh nước Tào, lấy được đất Giao. Tháng 5 năm 496 TCN, Vệ Linh công cùng Lỗ Định côngTề Cảnh công hội chư hầu ở đất Khiên.

Năm 497 TCN, TềVệ lại đánh Tấn, đóng quân ở đất Cúc Thị. Tề hầu muốn bắt Vệ hầu lên cùng xe với mình, nên giả cách sửa soạn chiến xe có đầy đủ giáp cụ, nói dối là quân Tấn đánh tới, rồi nói với Vệ Linh công rằng xe của quý quân chưa sửa soạn và hãy lên xe với mình, rồi đánh roi cho ngựa chạy; khi biết quân Tấn thực không tới thì mới dừng lại[19]. Năm đó vì cớ Tào không chịu theo Tề phản Tấn, Vệ lại cử quân đánh Tào. Bấy giờ Vệ Linh công dùng binh liên miên, không chú tâm vào việc chánh trị, cho nên đất nước luôn có chiến tranh.

Biến loạn trong cung thất

Đại phu nước VệCông Thúc Văn tử chết, con là Công thúc Tuất lên thế tập. Vì nhà họ Công Thúc giàu sang, nên Linh công thấy ghét. Năm 497 TCN, Công thúc Tuất muốn triệt bỏ bè đảng của Linh phu nhân (Nam Tử, người Tống quốc[20][21], sinh ra Thái tử Khoái Hội[22]). Phu nhân buộc tội Công Thúc Tuất làm loạn, Vệ Linh công đuổi hết bè đảng của Tuất ra nước ngoài, không lâu sau đại phu khác là Bắc Cung Kết cũng phải bỏ trốn sang Lỗ[23].

Linh phu nhân Nam Tử - mẹ của Thế tử Khoái Hội - khi còn ở Tống quốc từng bị đồn có tư thông với anh ruột là Tống Triều. Năm 496 TCN, Vệ Linh công mời Tống Triều sang nước Vệ, người trong nước đều dị nghị, chê cười. Khoái Hội nghe được rất bất bằng, bèn bàn với thủ hạ là Hí Dương Tốc giết bà Nam Tử.

Khi vào yết kiến Nam Tử, Khoái Hội mấy lần ra hiệu nhưng Hí Dương Tốc không động thủ. Nam Tử thấy vậy lo sợ, biết Khoái Hội muốn hại mình liền mách với Linh công[24][25]. Khoái Hội vội bỏ trốn sang nước Tống rồi lại sang nước Tấn nương nhờ Triệu Ưởng, quan thượng khanh họ Triệu[2]. Về sự kiện này, kinh Xuân Thu cho rằng việc làm của Khoái Hội rất đáng nghi, vì giả sử có tâm giết phu nhân thì chả nhẽ lại không sợ mang tiếng bất hiếu và mất đi địa vị Thế tử; và cho rằng thực tế Khoái Hội chỉ đem lời can ngăn Phu nhân mà Phu nhân do tức giận mới giả cách nói dối Khoái Hội muốn giết mình, mượn tay nhà vua trừ đi họa miệng. Sau khi Khoái Hội chạy khỏi, Linh công đuổi luôn quan Chánh khanh Công Mạnh, vì nghi ông ta là đồng đảng của Khoái Hội[26].

Qua đời

Năm 496 TCN, họ Phạm và họ Trung Hàng nước Tấn tranh chấp quyền lực với 4 họ thượng khanh khác. Vệ Linh công bèn cùng với Tề hầu và Lỗ công hội minh ở đất Khiên và Can Hầu lại bàn việc cứu họ Phạm đã bị vây 3 năm. Quân 4 nước Tề, Lỗ, Vệ và Tiển Ngu chiếm được Cức Bồ cho họ Phạm, tuy nhiên không lâu sau khi Linh công mất, họ Phạm vẫn bị tiêu diệt.

Mùa xuân năm 493 TCN, Vệ Linh công đi tuần du ở đất Giao, mang theo người con nhỏ là Vệ Dĩnh, tự Tử Nam được ông yêu quý. Vệ hầu vốn giận Khoái Hội bỏ trốn, nên muốn lập Dĩnh làm Thế tử, nhưng Dĩnh từ chối[2].

Tháng 4 cùng năm, Vệ Linh công qua đời. Ông ở ngôi 42 năm, không rõ bao nhiêu tuổi. Phu nhân Nam Tử muốn theo di ý ông lập Vệ Dĩnh làm vua nhưng Dĩnh không chịu và đề nghị lập con Khoái Hội là Vệ Triếp vẫn đang ở nước Vệ. Người nước Vệ bèn lập Triếp lên ngôi vua, tức Vệ Xuất công[2][25][27]. Tháng 10 cùng năm, triều đình làm lễ an táng cho Vệ Linh công.

Sau khi Vệ Linh công qua đời, Triệu Ưởng đem quân giúp thế tử Khoái Hội chiếm Thích Ấp để giao tranh với Vệ Xuất công. Vệ quốc liên tiếp xảy ra nội loạn và lệ thuộc vào Tấn quốc, thế lực ngày một suy yếu.